Thủ tục loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp khi doanh nghiệp đặt tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại?
Hành vi nào được coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại?
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đó, tên thương mại là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp và được hiểu là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
Theo quy định tại Điều 76 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Căn cứ khoản 2 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005quy định thì mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 77 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì những đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại:
(1) Tên của cơ quan nhà nước,
(2) Tên của tổ chức chính trị,
(3) Tên của tổ chức chính trị – xã hội,
(4) Tên của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp,
(5) Tên của tổ chức xã hội,
(6) Tên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp,
(7) Tên của chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thủ tục loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp khi doanh nghiệp đặt tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại?
Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ – CP quy định thì không được sử dụng tên thương mại của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại đó.
Theo đó, nếu doanh nghiệp sử dụng tên thương mại đã được bảo hộ của tổ chức, cá nhân khác để đặt tên doanh nghiệp mà không có sự đồng ý của họ thì được xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ – CP cũng quy định thêm: “Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp”.
Theo hướng dẫn tại Điều 9 thông tư liên tịch 05/2016/TTLT -BKHCN BKHĐT và Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ – CP thì trình tự, thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp khi có văn bản kết luận tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được tiến hành theo các bước sau đây:
Bước 1: Khi cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gửi văn bản đó cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp vi phạm.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận, thương lượng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành văn bản kết luận này.
Bước 2: Nếu các bên đã đạt được thoả thuận trong thời hạn quy định và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra văn bản thông báo ghi nhận sự thỏa thuận đó và dừng giải quyết vụ việc.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đề nghị doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp.
Kèm theo văn bản đề nghị của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có bản sao các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ – CP .
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo.
Bước 3: Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo, nếu doanh nghiệp có tên xâm phạm tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh chấp thuận.
Nếu sau thời hạn trên mà doanh nghiệp vẫn không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu thì Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy định của luật doanh nghiệp
Nếu doanh nghiệp không báo cáo thì Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Chủ sở hữu tên thương mại có trách nhiệm gì trong việc xử lý tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT -BKHCN BKHĐT quy định, trong quá trình xử lý tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì chủ sở hữu tên thương mại có trách nhiệm:
– Cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo quy định,
– Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân.