Tính nguyên gốc của thiết kế bố trí
Hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ tuy nhiên điều đó đem đến một hạn chế là những thiết kế về mạch tích hợp bị đạo nhái đánh cắp một cách tràn lan không được bảo hộ. Từ đó, điều kiện bảo hộ thiết kế bố trí được quan tâm nhiều hơn. Vậy điều kiện về tính nguyên gốc của thiết kế bố trí là như nào? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Mai Sơn đưa ra bài viết về tính nguyên gốc thiết kế bố trí dưới đây.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 103/2006/NĐ-CP.
Thiết kế bố trí là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 thì mạch tích hợp là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm và trong đó có các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực, một số hay tất cả các mối liên kết được gắn bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp còn có thể gọi là IC, chip hay mạch vi điện tử. Theo đó, mạch tích hợp là đối tượng để thiết kế và được sản xuất sau khi có thiết kế. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không phải đối với mạch tích hợp mà là thiết kế bố trí.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (hay còn gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết của các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Các thành phần của mạch tích hợp để thiết kế bố trí được bảo hộ gồm:
- Các phần tử giao diện;
- Các thiết bị lập trình được;
- Dạng vật chất thể hiện thiết kế bố trí;
- Chức năng lưu trữ thông tin hoặc xử lý logic thông tin.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền đăng ký thiết kế bố trí
Các cá nhân, tổ chức có quyền đăng ký thiết kế bố trí bao gồm:
- Tác giả tạo ra thiết kế bố trí phải bằng chi phí và công sức của chính bản thân tác giả;
- Tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức thuê việc, giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với các quy định của Chính phủ về quyền đăng ký đối với thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng kỹ thuật, cơ sở vật chất, kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Lưu ý:
- Trong trường hợp nếu nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo thiết kế bố trí thì tất cả các tổ chức, cá nhân đó sẽ đều có quyền đăng ký thiết kế bố trí và quyền đăng ký đó chỉ được tiến hành khi tất cả các tổ chức, cá nhân đó đều đồng ý.
- Những người có quyền đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác bằng hình thức hợp đồng bằng văn bản, để kế thừa hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật, kể cả khi đã nộp đơn đăng ký.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (bổ sung Điều 86a vào Luật Sở hữu trí tuệ 2005) về quyền đăng ký đối với thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước như sau:
- Quyền thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quyền thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
- Đối với thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, thì phần quyền đăng ký thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quyền thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
Theo đó, quyền đối với thiết kế bố trí trong trường hợp này cũng bị hạn chế chuyển nhượng. Theo Điều 139.6 Luật Sở hữu trí tuệ, đối tượng được chuyển nhượng quyền này chỉ gồm những tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Khi nhận chuyển nhượng, người nhận phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì theo quy định của Luật này.
Điều kiện bảo hộ đối với thiết kế bố trí
Theo Điều 68 Luật Sở hữu trí tuệ về hai điều kiện cụ thể để có thể bảo hộ thiết kế bố trí nhằm phù hợp với thực tiễn bảo hộ thiết kế bố trí trên thế giới bao gồm:
- Có tính nguyên gốc;
- Có tính mới thương mại.
Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí bao gồm:
- Nguyên lý, quy trình, hệ thống và phương pháp được thực hiện bởi tích hợp bán dẫn;
- Thông tin và phần mền chứa trong tích hợp bán dẫn.
Tính nguyên gốc của thiết kế bố trí
Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng được các điều kiện:
- Thiết kế bố trí là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
- Thiết kế chưa được người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.
Theo đó tính nguyên gốc của thiết kế bố trí khác với tính nguyên gốc được quy định của quyền tác giả. Theo pháp luật về quyền tác giả tính nguyên gốc liên quan đến hình thức thể hiện ý tưởng chứ không liên quan đến bản thân ý tưởng hay ý nghĩa bên trong nó, tác phẩm được sáng tạo một cách độc lập, tự nhiên và không sao chép từ tác phẩm khác. Tính nguyên gốc của thiết kế bố trí được xem xét ở “toàn bộ” sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường và phải đáp ứng các điều kiện là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả và chưa được người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí.
Sự khác biệt đến từ việc tính nguyên gốc của thiết kế bố trí xét đến “toàn bộ”, bản chất của thiết kế bố trí là “sự sắp xếp” các linh kiện, phần tử của mạch điện, tức là nó được tạo ra từ sự sáng tạo của tác giả bằng cách sắp đặt những thứ có sẵn trước đó.
Ngoài ra, tính nguyên gốc của thiết kế bố trí cũng có sự khác biệt với tính nguyên gốc của quyền liên quan. Tính nguyên gốc của quyền liên quan được thể hiện ở việc quyền liên quan chỉ được xác định theo các đối tượng của quyền liên quan được tạo ra lần đầu tiên. Việc xác định tính nguyên gốc từ góc độ này thường được áp dụng đối với các bản ghi, chương trình phát thanh truyền hình. Hoặc tính nguyên gốc xác định trên cơ sở lao động sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của chủ thể.
Việc quyền liên quan phát sinh trên cơ sở hành vi sử dụng tác phẩm đã có từ trước không ảnh hưởng tới tính nguyên gốc của các đối tượng mà nó bảo hộ. Tức là tự tác giả sáng tạo ra chứ không phải tạo ra do sao chép. Điều này khác với tính nguyên gốc của thiết kế bố trí tạo ra từ sự sáng tạo của tác giả bằng cách sắp đặt những thứ có sẵn từ trước đó.
Thủ tục đăng ký thiết kế bố trí
Thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nộp và tiếp nhận đơn
Sau khi hoàn thiện giấy tờ thì có thể nộp trực tiếp qua bưu điện hoặc nộp đơn trực tuyến.
Hình thức nộp đơn trực tiếp
Nộp trực tiếp đơn đăng ký hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc các Văn phòng đại diện của Cục tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Lưu ý: Trong trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký thiết kế bố trí qua bưu điện thì sẽ cần phải chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện sau đó photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các trụ sở, văn phòng của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
Hình thức nộp đơn trực tuyến
Cần chuẩn bị chứng thư số và chữ ký số và có tài khoản trên hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, đơn đăng ký thiết kế bố trí sẽ được Thẩm định hình thức đơn trong thời gian 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Đây là thủ tục nhằm kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn để từ đó đưa ra kết luận đơn có hợp lệ hay không.
- Trong trường hợp đơn hợp lệ thì phía Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Trong đó đồng thời nêu rõ đối tượng nêu trong đơn có khả năng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
- Đối với trường hợp đơn không hợp lệ thì bên phía Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho người nộp đơn quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ thì đơn đăng ký sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Thời hạn công bố đơn sẽ khoảng 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
Bước 4: Thông báo dự định cấp và ra quyết định cấp hoặc từ chối Giấy chứng nhận đăng ký
Quy định về thông báo dự tính cấp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và không có ý kiến người thứ ba phản đối việc đăng ký thiết kế hoặc có ý kiến phản đối nhưng kết quả xử lý chứng minh rằng ý kiến phản đối đó không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đối với đối tượng được nêu trong đơn và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp phí công bố, phí đăng bạ và lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về dịch vụ đăng ký thiết kế bố trí và nhu cầu được giải đáp thắc mắc liên quan đến tính nguyên gốc của thiết kế bố trí xin vui lòng liên hệ công ty luật Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất.