Mẫu hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu
Nhãn hiệu là dấu hiệu giúp cho người tiêu dùng có thể phân biệt hàng hoá, dịch vụ của nhà cung cấp này với nhà cung cấp khác. Xu hướng tự nhiên của khách hàng là sẽ chọn lựa các nhãn hiệu mà họ đã từng nghe đến nhiều. Do đó, việc tạo dựng vị thế trên thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh thường được thực hiện thông qua việc chuyển giao các quyền sử dụng đối với nhãn hiệu. Cơ sở pháp lý cho hoạt động này chính là hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (hay còn gọi là hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu). Tuy nhiên, trong thực tế, việc soạn thảo mẫu hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu theo đúng quy định của pháp luật lại là khó khăn mà nhiều khách hàng gặp phải. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty luật Mai Sơn đưa ra bài viết mẫu hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Li-xăng nhãn hiệu là gì?
Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (hay còn gọi là Li-xăng nhãn hiệu) là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép một cá nhân, tổ chức khác sử dụng nhãn hiệu của mình trên một vùng lãnh thổ xác định trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó, nhãn hiệu Li-xăng phải thuộc quyền sử dụng của bên giao Li-xăng.
Li-xăng nhãn hiệu là một hình thức khai thác quyền sở hữu công nghiệp, qua đó, chủ sở hữu nhãn hiệu thu về một khoản phí hoặc lợi ích vật chất khác mà không phải trực tiếp sử dụng nhãn hiệu. Li-xăng nhãn hiệu còn góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư nghiên cứu.
Hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu là gì?
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia.
Hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu là sự thoả thuận giữa bên giao quyền sử dụng nhãn hiệu với bên nhận quyền sử dụng nhãn hiệu. Theo đó, bên giao quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng nhãn hiệu của mình trong một khoảng thời gian và không gian xác định và bên nhận quyền có nghĩa vụ phải trả phí chuyển quyền sử dụng cho bên giao quyền sử dụng nhãn hiệu theo thoả thuận của các bên.
Các loại hợp đồng Li-xăng
Hợp đồng Li-xăng gồm 3 loại, đó là:
- Hợp đồng Li-xăng độc quyền: chủ sở hữu nhãn hiệu không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên nhận quyền, bên nhận quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu đó trong phạm vi, thời hạn chuyển giao sử dụng nhãn hiệu.
- Hợp đồng Li-xăng không độc quyền: trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền đối với bên thứ ba.
- Hợp đồng Li-xăng thứ cấp: là hợp đồng mà theo đó, bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.
Chủ sở hữu nhãn hiệu cần phân biệt rõ 3 loại hợp đồng trên để căn cứ vào đó, đưa ra quyết định chính xác, tránh việc nhầm lẫn, gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp của mình.
Một số nội dung trong hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu
Ngoài các thông tin về thời gian, địa điểm lập hợp đồng, hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu còn có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
- Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng: theo đó, bên giao phải cam kết là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu;
- Dạng hợp đồng: chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (Li-xăng);
- Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng (độc quyền, không độc quyền, thứ cấp), giới hạn lãnh thổ (ví dụ lãnh thổ Việt Nam);
- Thời hạn hợp đồng: phụ thuộc vào thoả thuận của các bên;
- Phí chuyển giao quyền sử dụng và phương thức thanh toán: các bên ghi rõ chi phí chuyển giao và xác định phương thức thanh toán trong hợp đồng;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên chuyển quyền:
- Bên giao có nghĩa vụ giao đầy đủ các tài liệu giấy tờ liên quan đến nhãn hiệu cho bên nhận theo thoả thuận, bên giao đảm bảo nhãn hiệu Li-xăng phải thuộc quyền sử dụng của mình, nhãn hiệu không bị tranh chấp bởi bên thứ ba, bên giao được bên nhận thanh toán tiền và các chi phí khác theo sự thoả thuận;
- Bên nhận có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán chi phí chuyển quyền nhãn hiệu. Một nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng Li-xăng là bên nhận Li-xăng có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu;
- Giải quyết tranh chấp: Các bên thoả thuận về phương thức giải quyết tranh chấp khi một trong các bên có hành vi vi phạm hợp đồng, có tranh chấp giữa các bên (ví dụ như sử dụng phương thức Toà án nhân dân để giải quyết tranh chấp).
Pháp luật Việt Nam không cho phép các bên có bất cứ thoả thuận nào hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận Li-xăng, đặc biệt là các thoả thuận không xuất phát từ quyền của bên Li-xăng nhằm bảo vệ bên nhận Li-xăng cũng như thị trường cạnh tranh chung khỏi sự lạm dụng quyền độc quyền của chủ sở hữu trong việc Li-xăng.
Mẫu hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu
Quý khách có thể tham khảo mẫu hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu theo mẫu
Một số lưu ý đối với mẫu hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu
Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể có được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể hay không?
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Theo quy định của pháp luật về hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể không được phép chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu đó.
Trong thời hạn thực hiện hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu, bên được chuyển quyền có thể tiến hành ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba hay không?
Hợp đồng Li-xăng thứ cấp là là hợp đồng mà theo đó, bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong thời hạn thực hiện hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu, bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
Trong hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu, điều khoản cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền chuyển giao của bên chuyển quyền hay không?
Luật Sở hữu trí tuệ quy định, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không được có các điều kiện hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền, trong đó bao gồm việc cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền. Vì vậy, điều khoản này có trong hợp đồng Li-xăng thì mặc nhiên bị vô hiệu.
Hiệu lực của hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu được quy định như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng Li-xăng có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu sẽ mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về mẫu hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu, tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Mai Sơn để được hỗ trợ tốt nhất.