THÀNH LẬP CHI NHÁNH CỦA DOANH NGHIỆP KIỂM TOÁN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Thành lập chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp quốc tế trong những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, việc thành lập chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam đã trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn để tận dụng thị trường mới và thúc đẩy hợp tác kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài. Trong bài viết sau đây, Luật Mai Sơn xin đưa ra ý kiến tư vấn pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư thành lập chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

Căn cứ pháp lý

  • WTO, AFAS, CPTPP.
  • Luật đầu tư năm 2020.
  • Luật doanh nghiệp năm 2020.
  • Luật kiểm toán độc lập năm 2011.
  • Nghị định 17/2012/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 151/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập.
  • Thông tư 203/2012/TT-BTC quy định về trình tự, thủ tục cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 39/2020/TT-BTC và Thông tư 43/2023/TT-BTC).
  • Thông tư 271/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Điều kiện đầu tư thành lập chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Cam kết mở cửa thị trường

Theo WTO, AFAS

  • Dịch vụ kế toán, kiểm toán và ghi sổ kế toán (CPC 862): Không hạn chế. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập chi nhánh.

Theo CPTPP

  • Dịch vụ kiểm toán (CPC 862): Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ khi đáp ứng các yêu cầu về hiện diện tại nước sở tại ở Việt Nam. Không được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán (kể cả hình thức xuyên biên giới) trừ khi đáp ứng yêu cầu trên.

Điều kiện vốn tối thiểu

  • Vốn pháp định đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam.
  • Doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh kiểm toán tại Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán  tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất tối thiểu tương đương 500.000 USD.
  • Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn tối thiểu.

Phạm vi hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

  • Dịch vụ kiểm toán, gồm: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, kiểm toán báo cáo tài chính vì mục đích thuế và công việc kiểm toán khác.
  • Dịch vụ soát xét báo cáo tài chính, thông tin tài chính và dịch vụ bảo đảm khác.
  • Dịch vụ khác: Tư vấn kinh tế, tài chính, thuế; Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp; Tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị của doanh nghiệp, tổ chức; Dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán; Thẩm định giá tài sản và đánh giá rủi ro kinh doanh; Dịch vụ bồi dưỡng kiến thức tài chính, kế toán, kiểm toán; Dịch vụ liên quan khác về tài chính, kế toán, thuế theo quy định của pháp luật.

Thủ tục thành lập chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Doanh nghiệp kiểm toán đăng ký cho chi nhánh được kinh doanh dịch vụ kiểm toán gửi 01 bộ hồ sơ để chấp thuận việc thành lập chi nhánh. Hồ sơ gồm

  • Đơn đăng ký kinh doanhdịch vụ kiểm toán đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán (theo mẫu quy định tại Phụ lục VII Thông tư 203/2012/TT-BTC);
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh do cơ quan đăng ký doanh nghiệpcấp;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề làm việc tại chi nhánh;
  • Quyết định bổ nhiệm Giám đốc chi nhánh.

Nơi nhận hồ sơ: Bộ Tài chính

Thời hạn: 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính ban hành chấp thuận bằng văn bản về việc thành lập chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài.

Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh

Do kiểm toán là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh là điều kiện đủ để chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài chính thức đi vào hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Pháp luật cũng quy định thêm, trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán mà chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì phải làm thủ tục xóa ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Như vậy, đây là thủ tục cần lưu ý của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài sau khi thực hiện thành công thủ tục thành lập chi nhánh tại Việt Nam.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

  • Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đủ điều kiện để được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước sở tại nơi doanh nghiệp đó đặt trụ sở.
  • Nhân sự của chi nhánh: ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
  • Đảm bảo nghĩa vụ: doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
  • Đảm bảo duy trì mức vốn pháp định theo quy định.

Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục II Thông tư 203/2012/TT-BTC;
  • Bản sao giấy phép cung cấp dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài (hoặc văn bản tương đương) theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính;
  • Bản sao Giấy phép thành lập chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài.
  • Văn bản của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
  • Danh sách kiểm toán viên hành nghề có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề.
  • Quyết định của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài về việc bổ nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) chi nhánh.
  • Văn bản xác nhận của doanh nghiệp kiểm toán độc lập khác về mức vốn hiện có thuộc sở hữu của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được ghi trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất (năm đăng ký hoặc năm trước liền kề năm đăng ký).
  • Tài liệu chứng minh về việc doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài cấp vốn cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

Nơi nhận hồ sơ: Bộ Tài chính

Thời hạn:

  • Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
  • Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Tài chính thông báo cho tổ chức đề nghị cấp hoàn chỉnh hồ sơ.
  • Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lệ phí:

  • Cấp lần đầu 4.000.000 đồng/lần thẩm định;
  • Cấp điều chỉnh, cấp lại 2.000.000 đồng/lần thẩm định.

Những lưu ý trong quá trình hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Tên gọi của chi nhánh

Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không đủ điều kiện để xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì không được sử dụng cụm từ “kiểm toán” trong tên gọi.

Các trường hợp không được thực hiện kiểm toán

  • Thực hiện kiểm toán nội bộ hoặc thực hiện dịch vụ khác có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề và chi nhánh cho một đơn vị trong 2 năm liên tiếp. Các dịch vụ khác bao gồm:
  • Công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính;
  • Thực hiện dịch vụ kiểm toán nội bộ;
  • Thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm soát nội bộ;
    • Kiểm toán viên, người quản lý chi nhánh là thành viên có mối quan hệ góp vốn, hoặc có mối quan hệ huyết thống với thành viên có mối quan hệ góp vốn, quan hệ kinh tế tài chính khác với đơn vị được kiểm toán.
    • Đơn vị được kiểm toán đã thực hiện trong năm trước liền kề hoặc đang thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho chính chi nhánh.

Thu hồi Giấy phép kinh doanh

Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài bị thu hồi Giấy hứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán khi:

  • Kê khai không đúng thực tế hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
  • Không kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong mười hai tháng liên tục;
  • Hoạt động không đúng phạm vi, có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn, chuẩn mực đạo đức, đã bị đình chỉ nhưng không khắc phục được trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày bị đình chỉ;
  • Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài có chi nhánh kiểm toán tại Việt Nam bị giải thể, phá sản hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán đó đặt trụ sở chính thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

Chấm dứt hoạt động chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài

  • Theo quyết định của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đã thành lập chi nhánh;
  • Doanh nghiệp kiểm toán đã thành lập chi nhánh chấm dứt hoạt động;
  • Bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Quý khách có nhu cầu thành lập chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam vui lòng liên hệ đến công ty luật Mai Sơn để được tư vấn và hỗ trợ hiệu quả nhất.