Cha mẹ chung sống như vợ chồng. Sau một thời gian chung sống thì người vợ có mang thai con của người cha. Tuy nhiên một thời gian sau, người cha bị tai nạn chết. Thời điểm chết đột ngột nên cũng không có di chúc để lại. Đến thời điểm chia thừa kế, gia đình của người cha không chấp nhận người con được hưởng thừa kế bởi mới chỉ thành thai, chưa có tư cách công dân. Vậy, trong trường hợp này thì người con có thể được nhận thừa kế di sản của người cha không?
Chung sống như vợ chồng thì thai nhi có được hưởng thừa kế không?
Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Bên cạnh đó, theo Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phân chia di sản theo pháp luật như sau:
- Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còng sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật, nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Vậy, nếu con đã thành thai trước khi người để lại di sản chết thì chắc chắn được pháp luật công nhận là một người hưởng thừa kế, và sẽ được dành lại một phần di sản bằng với những người thừa kế khác cùng hàng nếu đứa con còn sống khi sinh ra.
Tuy nhiên, trong trường hợp cha mẹ chỉ chung sống như vợ chồng thì để người con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật thì người vợ phải thực hiện xác định quan hệ cha con cho con theo những quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Trong thời gian giải quyết quá trình chia di sản, người quản lý di sản phải có những nghĩa vụ gì?
Theo điều 617 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế như sau:
- Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế
- Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
c) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
Nếu có bất cứ thắc mắc gì, xin vui lòng liên hệ:
-Luật sư Vũ Hoàng Long
-SĐT: 094.176.2609
-Mail: luatmaison.info@gmail.com